Làm thế nào để làm quen với đối phương

Đây là những gì được đúc rút từ một thí nghiệm xã hội: học cách kết nối với mọi người.

Image by Freepik

Trước khi bắt đầu, tôi có một câu hỏi dành cho bạn.

Đúng vậy, chính bạn. Vì câu hỏi này có thể áp dụng cho tất cả mỗi người chúng ta.

Nó còn được gọi là câu hỏi lúc 3 giờ sáng, nội dung như sau:

“Lúc 3 giờ sáng bạn trở về nhà và không có chìa khoá vào nhà. Không có thợ sửa khoá nào, đường phố, mọi thứ vắng tanh và trời đang rất lạnh. Bạn có thể gọi ai?”

Mục đích của câu hỏi không phải là giải quyết vấn đề (ví dụ: tôi sống ở thành phố, có thợ sửa khóa 24/7 và trời thì không quá lạnh) hoặc thậm chí là khả năng của vấn đề đó xảy ra (ví dụ: tôi luôn có chìa khóa dự phòng siêu bí mật của mình) – thay vào đó, câu hỏi là một thử nghiệm đo lường mối quan hệ mà bạn có trong cuộc sống.

Câu hỏi này thực chất đặt ra ba câu hỏi:

  1. Bạn có những mối quan hệ chất lượng trong cuộc sống mà bạn có thể tin tưởng vào?
  2. Những mối quan hệ này là hiện tại, có nghĩa là bạn có thể gọi cho họ ngay hôm nay và đó sẽ không phải là lần đầu tiên bạn gọi cho họ trong vòng 6 tháng qua?
  3. Những mối quan hệ này có gần với nơi bạn sống không, và không phải là những người bạn thời thơ ấu của bạn ở quê nhà hàng ngàn dặm xa?

Thường thì hầu hết mọi người khi được hỏi câu trên đều đưa ra một số biến thể của câu trả lời như:

“Ờm,..tôi có thể gọi cho ABC (tên người) . Anh ấy cũng sống gần đây. Điều đó có lẽ là hợp lý nhất và anh ấy có thể sẽ giúp đỡ tôi.”

Mục đích của câu hỏi không phải là ai sẽ làm điều đó. Hầu hết mọi người đều sẽ làm điều đó. Nó liên quan đến cảm giác thoải mái của bạn khi hỏi người đó. Mối quan hệ đó thân thiết đến mức nào để bạn không phải lo lắng rằng việc nhờ vả đó sẽ là một gánh nặng đối với họ khi phản hồi nhu cầu khẩn cấp của bạn?

Có một lý do tại sao chúng ta nên nghĩ về việc tạo sự gần gũi, thân thiết đến mức đó. Hãy tưởng tượng bạn ở một nơi nào đó và đặt cho mình câu hỏi 3 giờ sáng. Bạn sẽ nhận ra rằng chất lượng những mối quan hệ của bạn ở một nơi là điều làm nó trở thành nơi bạn muốn sống và gọi nó là nhà.

Khi đến với một nơi mới, môi trường mới bạn sẽ cảm thấy một lần nữa cần phải kết bạn với những người bạn mới gặp – đó là lúc bạn sẽ cảm nhận được ý nghĩa của việc tạo sự gần gũi một cách liên tục với những người mà bạn gặp gỡ. Làm thế nào để tạo sự gần gũi với tất cả mọi người – đó cũng là thử thách cho bạn.

Bạn có thể hỏi rằng: “Nhưng tại sao tôi cần phải làm thế ?”. Đúng vậy, tại sao sự gần gũi với bất kỳ ai lại quan trọng?

Tầm quan trọng của việc tạo sự gần gũi trong các mối quan hệ của chúng ta

Những người sắp mất cảm nhận rõ nhất điều này

Sẽ như thế nào nếu chính bản thân chúng ta ở thời điểm trước khi qua đời có thể quay trở lại quá khứ và cho chúng ta ở hiện tại biết những điều quan trọng nhất trong cuộc sống của mình?

Chúng ta không thể tự làm điều đó được, nhưng một y tá hỗ trợ chăm sóc đời cuối tại Úc đã cung cấp cho chúng ta cái nhìn về sự mong mỏi của những người khác đang ở trên bờ vực giữa sự sống và cái chết. Trong cuốn sách của mình, Bonnie Ware chia sẻ rằng trong số năm nỗi nuối tiếc nhất mọi người có – ba trong số đó liên quan đến sự thiếu gần gũi trong các mối quan hệ.

Mọi người (đặc biệt là đàn ông) thường ước rằng họ không nên quá chú tâm vào công việc mà nên đầu tư nhiều hơn cho các mối quan hệ của mình. Họ ước rằng họ đã giữ liên lạc với bạn bè của mình và dành cho những mối quan hệ đó sự nỗ lực và thời gian mà chúng đáng được nhận. Họ ước rằng họ đã có can đảm để tỏ bày cảm xúc của mình và nhiều người trong số đó đã mắc các bệnh tật do họ không đã làm như vậy – điều này cũng đưa chúng ta đến quan điểm tiếp theo ngay sau đây.

Đó thực sự là vấn đề giữa sự sống và cái chết

Một thống kê tổng hợp lại 148 nghiên cứu với 308,849 người tham gia chỉ ra rằng chất lượng và số lượng các mối quan hệ xã hội của các cá nhân không chỉ liên quan đến sức khỏe tinh thần mà còn liên quan đến cả tỷ lệ mắc bệnh và tử vong.

Nghiên cứu chỉ ra rằng mọi người có khả năng sống lâu hơn 50% nếu họ có các mối quan hệ bền chặt – ngay cả khi chúng ta xem xét đến tuổi, giới tính, tình trạng sức khỏe ban đầu, nguyên nhân tử vong và thời gian theo dõi thì cũng cho kết quả tương tự. Ngoài ra, có hàng tá nghiên cứu khác về mối liên quan giữa sự cô đơn với việc tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và cao huyết áp.

Chúng ta đã được lập trình sẵn cùng với nhu cầu kết nối

Các kết quả trên không hề gây ngạc nhiên vì tâm lý con người được lập trình sẵn để chúng ta cảm thấy rằng cần phải thuộc về một cộng đồng – điều này chúng ta đã biết từ lâu và nó được mô tả trong nhiều cuốn sách, trong các nghiên cứu hay như trong tháp nhu cầu của Maslow.

Việc lập trình nhu cầu kết nối này ảnh hưởng đến chúng ta sâu sắc đến mức trong cuốn sách của Sebastian Junger, ông mô tả một cách mỉa mai về việc một số cựu chiến binh cảm thấy khoảng thời gian trong lúc chiến tranh đối với họ thậm chí còn tốt hơn so với khi hòa bình vì họ cảm thấy mất mát những mối quan hệ rất thân thiết trong cuộc sống quân đội họ đã từng trải qua.

Con người không thể tách khỏi xã hội.

Cuộc sống trở nên tốt hơn

Các lợi ích về sức khỏe tinh thần của việc có bạn bè được ghi chép rõ ràng, nhưng bạn có biết rằng việc có mối quan hệ xã hội bền chặt, thân thiết có tác động đến sự hài lòng về cuộc sống của bạn tương đương với việc được tăng thu nhập lên 150%? Hiệu ứng này được mô tả trong một nghiên cứu về sự hài lòng với cuộc sống thực hiện bởi Gallup World Poll. Bên cạnh đó những lý do khác được biết đến nhiều hơn là các mối quan hệ giúp chúng ta giải toả căng thẳng tốt hơn trong cuộc sống.

Tác động của thế giới ảo và đời sống thực

Cuộc trò chuyện về tầm quan trọng của việc tạo và duy trì sự gần gũi ngày càng trở nên quan trọng hơn trong một thế giới mà chúng ta thường nhầm lẫn giữa số người theo dõi trên Instagram hoặc bạn bè trên Facebook với bạn bè thật sự.

Nghiên cứu này miêu tả những tác động khác biệt rõ rệt mà bạn bè trực tuyến so với bạn bè ngoài đời đến sức khỏe tinh thần của chúng ta. Dù chúng ta muốn hay không, thế giới kỹ thuật số đang thay đổi nhanh chóng cách chúng ta kết nối, điều đó khiến việc chúng ta cần phải tạo ra những mối quan hệ với sự gần gũi thực sự càng trở nên quan trọng hơn.

Nếu bạn là người thường xuyên cầm chiếc điện thoại lên để tìm kiếm cảm giác kết nối hay sợ bỏ lỡ điều gì đó nhưng những gì cảm thấy vẫn chỉ là sự trống rỗng sau một tá động tác vuốt vuốt và cuộn bảng tin trên facebook một cách vô thức, không hồi kết, thì bài viết này chính là dành cho bạn.

Image by Freepik

Một yếu tố quan trọng trong tất cả các nghiên cứu trên bạn cần chú ý là chất lượng của mối quan hệ quan trọng hơn số lượng. Sự gần gũi trong mối quan hệ là yếu tố then chốt.

Đến một lúc nào đó bạn sẽ nhận ra rằng, tạo ra sự thân mật gần gũi dễ hơn so với những gì chúng ta hình dung.

Cách tạo nên sự gần gũi ngay lập tức với bất kỳ ai

Đối với hầu hết mọi người, phần khó nhất luôn là khi bắt đầu. Dù chúng ta muốn tạo ra sự gần gũi với một nhóm nhỏ quen thuộc, một người bạn, hay người bạn đời của mình, hầu hết mọi người thường không biết làm thế nào để khởi đầu cho một mối quan hệ. Vì vậy, cơ hội cứ thế trôi qua và chúng ta luôn tự hạn chế mối quan hệ của mình trong công việc và các hoạt động giải trí – hoặc tệ hơn nữa, sẽ tiếp tục là hàng trăm lượt vuốt trên điện thoại mỗi tối.

Có hàng ngàn cuốn sách về cách tạo ra sự gần gũi một cách lãng mạn – nhưng bài viết này không phải nói về điều đó.

Bài viết này nói về cách bắt đầu một mối quan hệ và chuyển đổi bất kỳ cuộc trò chuyện nào thành một cuộc trò chuyện mà bạn thực sự vượt qua được vỏ bọc của một người lạ và khám phá con người thật sự phía đằng sau của họ. Đó là về việc biến cả thế giới thành cộng đồng của bạn, tạo ra tiềm năng, cơ hội để mỗi người đều có thể trở thành bạn của bạn.

Điều đó có nghĩa là, bước đầu tiên đơn giản chỉ là “bạn muốn làm”.

Giai đoạn 1: Có chủ đích

Phải thừa nhận rằng, chúng ta không phải lúc nào cũng ở trạng thái cảm xúc để có thể tương tác với mọi người. Đôi khi, chúng ta cần phải tự nói với mình một chút để “khởi động”.

Có một mẹo nhỏ, bạn hãy nghe đoạn điệp khúc trong bài hát Automatic của Zhu và thử nhẩm trong đầu mình. Nếu bạn tra cứu lời bài hát, bạn sẽ hiểu tại sao. Làm điều này giúp chúng ta tạo ra mục đích (bạn cũng có thể làm điều khác thay vì nghe bài hát trên, miễn sao nó giúp bạn cảm thấy sẵn sàng, tạo ra một tâm trạng và bạn biết được cách mà bạn sẽ xuất hiện để tương tác với mọi như thế nào). Hãy chú ý đến điều làm bạn cảm thấy tò mò, muốn làm cho người khác cảm thấy tốt hơn, và rằng bạn đã sẵn sàng. Hãy đặt mình vào đúng tâm trạng để trở thành người mà ai đó muốn gặp gỡ. Không cần phải có bất kỳ sự kỳ vọng nào ở đây, chỉ cần bạn cảm thấy tò mò thôi.

Điều này gần như không bao giờ xảy ra nếu không có chủ ý. Hầu hết các mối quan hệ thân mật của chúng ta đều có kỳ vọng đi kèm. Xã hội không bắt buộc chúng ta cần phải tạo ra sự thân mật ngẫu nhiên với người lạ, mà chỉ với những người đáp ứng những vai trò cụ thể trong cuộc sống của chúng ta như đối tác, bạn bè, gia đình. Những vai trò được xác định trước này cũng đều đi kèm với những kỳ vọng được xác định trước. Do đó, chúng ta không để ý đến tồn tại của sự tò mò và cho phép các tương tác diễn ra. Thường thì khoảng cách giữa những gì chúng ta mong đợi từ họ và cách họ đáp ứng trong những vai trò này chính là khoảng cách trong sự gần gũi. Mọi người có thể cảm nhận được nếu bạn có một kế hoạch khi tiếp xúc với họ và nó sẽ làm giảm đi cơ hội họ mở lòng với bạn.

Hãy tưởng tượng bạn có một quán cafe, đừng chỉ nói chuyện với những chàng trai/ cô gái dễ thương tại quán cà phê của bạn (hoặc nếu bạn làm vậy, hãy làm điều đó mà không có kỳ vọng gì), hãy nói chuyện với bà cụ già đến đọc sách mỗi ngày, hãy nói chuyện với người mẹ trẻ mà bạn cảm thấy có thể trò chuyện như giữa người lớn với nhau, hãy nói chuyện với cô gái phong cách có gì đó đặc biệt đang vẽ trong sổ tay của mình. Bạn không bao giờ biết bạn sẽ gặp ai, khi gặp được người cùng cảm xúc, bạn sẽ chẳng phải buồn phiền một giây nào vì bạn còn đang tập trung trong mạch cảm xúc nói chuyện của mình.

Giai đoạn 2: Phá vỡ bức tường

Đây có lẽ là phần đáng sợ nhất đối với hầu hết mọi người và là rào cản lớn nhất cần vượt qua. Đúng vậy, sẽ có những khoảnh khắc lúng túng và không, thế giới sẽ không kết thúc.

Giống như việc tập luyện cơ bắp, điều đó cũng sẽ dễ dàng hơn nhiều theo thời gian.

Giao tiếp bằng mắt và nở nụ cười.

Đơn giản phải không?

Hầu hết chúng ta trải qua cuộc sống hàng ngày với những rào cản vô thức : khi bạn đeo tai nghe, điều đó có nghĩa là “Đừng nói chuyện với tôi”, ánh mắt thờ ơ hoặc không tập trung, điều nói lên rằng “Tôi không thực sự nhìn thấy bạn” hay việc dán mắt vào điện thoại, cho chúng ta cảm giác rằng “Nguồn tin vô nghĩa đang hiển thị trên màn hình còn thú vị hơn bất cứ điều gì hoặc ai trong cuộc sống thực.”

Cách đơn giản nhất để phá vỡ rào cản đầu tiên đó là ngẩng đầu lên, giao tiếp bằng mắt và nở nụ cười. Không có ngoại lệ, giao tiếp bằng mắt là điểm đầu tiên trong sự kết nối. Nó đơn giản, không có giới hạn tuy vậy ít được mọi người tận dụng. Nếu chạm nhau bởi ánh mắt đủ sức mạnh để khiến bạn cảm thấy nhớ thương ai đó, nó chắc chắn cũng đủ sức mạnh để giúp bạn kết bạn với một người.

Trẻ em làm điều này thường xuyên và thường giao tiếp bằng mắt với bạn trong thời gian lâu hơn so với những gì người lớn cảm thấy thoải mái để làm điều đó. Vì vậy, nếu bạn cảm thấy rất không thoải mái để bắt đầu với một người lớn, hãy thử tập luyện với trẻ em trước.

Quan sát một điều cụ thể về họ, sau đó hỏi một câu hỏi về điều đó.

Bạn đã nở nụ cười, họ cũng đã mỉm cười, bây giờ thì sao? Một trong những cách đơn giản nhất để bắt đầu một cuộc trò chuyện là để chú ý đến một điều cụ thể về người đó và hỏi một câu hỏi về điều đó. Đó có thể là một quyển sách họ đang cầm, một thứ họ đang mặc, một nơi mà họ đang đi đến, hoặc một thứ gì đó mà họ đang nhìn vào.

Image by jcomp on Freepik

Lúc này, bạn có thể tiến triển với một vài câu mở đầu thân mật hơn.

Ví dụ, khi thấy một ai đó đang chăm chú nhìn vào hình vẽ trên một chiếc cốc, bạn có thể hỏi:

  • – Bạn có biết câu chuyện về hình vẽ này không ?

Chúng ta không nên sử dụng những lời mở đầu kinh điển “Bạn khỏe không?”, “Nhà bạn có trồng ngô không?” và tôi sẽ giải thích thêm ở phía dưới.

Yêu cầu hoặc đề nghị giúp đỡ

Hỏi đường, hỏi giờ, yêu cầu giúp đỡ để lấy một thứ gì đó, hoặc nhờ ai đó giúp bạn giữ một thứ gì đó trong vài giây. Không chỉ là cách tiếp cận dễ dàng hơn so với hầu hết các lời mở đầu khác, mà nó cũng được biết đến là cách để tăng sâu hơn trong mối quan hệ.

Có một câu chuyện nổi tiếng về Benjamin Franklin chiến thắng đối thủ chính trị của mình bằng cách yêu cầu một sự giúp đỡ, một chiến tích mà ông không thể đạt được cho dù ông có là người tốt bụng như thế nào đi chăng nữa. Ngoài ra còn có ví dụ thực sự hữu ích khá đó là: 100 ngày thực hành đối mặt với sự từ chối và bài diễn thuyết TED mang tên “Nghệ thuật Yêu cầu” của Amanda Palmer. Nếu bạn còn hoài nghi về sức mạnh của việc yêu cầu, hãy xem những tài liệu này.

Điều ngược lại cũng rất hữu dụng. Bạn có thể hỏi một người nào đó trông có vẻ lạc đường xem họ cần chỉ đường không hoặc đề nghị giúp đỡ một người lạ nâng một cái gì đó mà họ đang chật vật chẳng hạn.

Tiếp nối bằng những câu hỏi về cảm xúc hơn là câu hỏi dựa trên thực tế nào đó

Sau khi đối phương có những phản hồi đầu tiên, tốt nhất là hỏi về cảm xúc của họ về một điều gì đó thay vì hỏi dựa trên một thực tế nào đó.

Các câu hỏi về cảm xúc như “Điều gì làm bạn hạnh phúc?” hoặc “Tại sao mạn lại có hứng thú về điều này?” sẽ tạo ra tiềm năng gần gũi hơn so với một câu hỏi dựa trên sự thật như “Bạn làm nghề gì?”, “Nhà bạn trồng ngô chắc bạn ăn chán ngô rồi nhỉ?”.

Nếu việc hỏi những câu hỏi về cảm xúc dường như làm ngượng ngịu hay bối rối ở thời điểm đoạn đầu không biết hỏi như nào, hãy chuẩn bị câu hỏi như “Bạn thích điều gì nhất về <tên thành phố/ hoặc điều mà đối phương đang chú ý>?”. Họ thường sẽ giải thích tại sao và đi kèm với đó là những thông tin tốt cho bạn về những gì họ thích/yêu. Tốt nhất nên đặt câu hỏi mở thay vì câu hỏi mà đối phương chỉ cần trả lời có hoặc không, vì nếu như vậy, cuộc nói chuyện của bạn có thể nhanh chóng kết thúc.

Dưới đây là một vài ví dụ cách hỏi về cảm giác:

  • “Nơi tôi thích là một club gần nhà, nơi đó thường có những nghệ sỹ tôi hâm mộ từ nhỏ biểu diễn”. “Ồ, bạn đam mê loại nhạc nào vậy?”
  • “Nơi yêu thích của tôi là công viên mà bố tôi thường đưa tôi đến.” “Nghe có vẻ như bố của bạn là một người quan trọng trong cuộc sống của bạn?”

Càng nhanh chóng đưa cuộc trò chuyện đến những thứ mà họ yêu thích hoặc ghét, càng có cơ hội tốt hơn để tạo sự gần gũi. Sách và âm nhạc yêu thích cũng thường có một mối liên hệ tình cảm sâu sắc với hầu hết mọi người và thường có thể được liên kết với các sự kiện quan trọng trong cuộc đời.

Đừng hỏi những câu chuyện phiếm, vặt vãnh, hay nhỏ nhặt

Những gì bạn không nói cũng quan trọng như những gì bạn nói vậy. Các câu chuyện phiếm gần như được thiết kế để kết liễu đi sự gần gũi. Ngoài việc rằng chúng thường là những câu hỏi dựa trên các sự kiện thực tế, vấn đề lớn nhất với các câu hỏi nói chuyện phiếm là mọi người có câu trả lời chuẩn cho chúng nên phản ứng của họ là tự động và họ không tương tác trong cuộc trò chuyện cụ thể với bạn.

Giả sử bạn gặp một cô gái/chàng trai ở bữa tiệc, ví dụ với câu hỏi “Bạn khoẻ không?”, từ nhỏ bạn đã biết đến cách trả lời “Tôi khoẻ, cảm ơn”. Bạn sẽ khó lòng đào sâu câu chuyện với đối phương với những câu hỏi đơn giản kiểu vậy.

Thay vì vậy, hãy thử hỏi họ một điều mới lạ. Thử thách bản thân hỏi họ một câu hỏi mà bạn nghĩ có thể họ chưa được hỏi trong đêm đó. Nó không cần phải là một điều gì đó quá to tát. Một ví dụ có thể là:

” Điều gì làm bạn ấn tượng nhất tối nay” chẳng hạn.

Giai đoạn 3: Kết nối

Hãy lắng nghe. Không, hãy thật sự lắng nghe.

Hãy lắng nghe mà không cần phải cố gắng tạo ra một phản hồi lại đối phương. Hãy lắng nghe mà không cố gắng để tạo ấn tượng. Hãy lắng nghe để hiểu câu chuyện của họ và những gì họ quan tâm. Điều đó rất khó khăn, và bất kỳ ai nói điều ngược lại đều là kẻ nói dối. Hầu hết mọi người sẽ tiết lộ những điều họ quan tâm khá nhanh chóng và bạn nên đi theo hướng dẫn của họ.

“Friends are those rare people who ask how we are, and then wait to hear the answer.”― Ed Cunningham

“Những người bạn thật sự là số ít những người hỏi chúng ta thế nào và chờ đợi để nghe câu trả lời.”

Xác định đam mê của đối phương và nói về nó

Con người sẽ nhớ những điều tạo ra cảm xúc mạnh. Họ có khả năng sẽ tương tác sâu hơn với bạn và nhớ về bạn nếu họ đang nói chuyện với bạn về điều gì đó mà họ đam mê.

Nếu bạn đã lắng nghe, bạn có thể xác định điều đó bởi vì hầu hết mọi người sẽ tiết lộ đam mê của họ khá nhanh chóng. Hãy hỏi những câu hỏi về điều đó.

Đam mê là một nguồn năng lượng và thật vui khi lắng nghe. Nó sẽ làm cuộc sống của bạn dễ dàng hơn vì họ có thể nói chuyện hết mình nhưng bạn cũng sẽ thấy mình ở trạng thái tâm trạng tích cực hơn sau cuộc trò chuyện.

Hãy là gương phản chiếu của họ

Việc trở thành gương phản chiếu cho ai đó có nghĩa là phản ánh lại cho họ một điều có ý nghĩa mà họ có thể chưa nhận ra. Thông thường, đó là để mô tả lại những điều tinh tế hơn cho họ, để khiến họ thấy rằng họ dũng cảm, đam mê, chu đáo, quyết tâm, v.v.

Cố gắng trở thành một gương phản chiếu buộc bạn phải thật sự chú ý và tìm thấy điều gì đó về họ mà bạn tôn trọng. Điều này hơi giống như một nghệ thuật nhưng đó là điều rất mạnh mẽ để làm. Nó nói với người đó, “này, tôi nhìn thấy bạn và bạn là một người tốt hơn là bạn nghĩ.” chẳng hạn.

Bạn nghĩ rằng có vẻ như điều đó không thành thật nhưng thực tế không phải vậy. MỌI NGƯỜI đều có điều gì đó về bản thân mình mà họ không nhận ra. Hãy giúp họ nhìn thấy bản thân mình theo một cách khác.

Hãy làm họ cười

Nếu bạn có một gu hài hước kỳ quặc, những người lạ là những người tốt nhất để bạn thể hiện bản thân mình. Họ sẽ không phán xét và ngay cả khi họ phán xét thì cũng không quan trọng. Vì vậy, hãy tự tin, hãy là chính bản thân hài hước và châm biếm mà bạn luôn nghe trong đầu. Họ sẽ nhớ bạn vì điều đó.

Sẵn sàng mở lòng

Tất nhiên, áp dụng điều này trong những tình huống phù hợp và theo từng cuộc trò chuyện. Nếu ai đó đang cảm thấy cô đơn sau khi chuyển đến một thành phố lớn, bạn có thể chia sẻ về thời điểm mà bạn cũng đã từng trải qua cảm giác đó khi bạn mới đến đó. Chia sẻ cảm xúc hoặc kinh nghiệm chung là một trải nghiệm tạo gắn kết rất mạnh mẽ.

Giai đoạn 4: Chuyển đổi

Nếu bạn đã thành công trong việc tạo liên kết, thì thách thức tiếp theo là cố gắng tiếp tục mối quan hệ ngoài quán cà phê, xe buýt hoặc công viên mà bạn đã gặp họ. Bạn có thể không muốn làm điều này với tất cả mọi người, nhưng đây là một số lời khuyên nếu bạn muốn.

Liên kết cuộc trò chuyện với địa điểm hoặc hoạt động

Nếu ai đó nói họ yêu cà phê, hãy hỏi họ quán cà phê yêu thích của họ là gì (địa điểm). Họ sẽ nói là quán cà phê X và sau đó bạn có thể đáp lại bằng cách nói: “Tôi chưa từng đến đó bao giờ! Bạn có muốn đi cùng tôi không?”

Nếu bạn nói “Tôi thích leo núi” và họ chưa từng làm điều đó trước đó, bạn có thể nói “Bạn có muốn thử không. Tôi biết một nơi tuyệt vời cho người mới bắt đầu.” (hoạt động)

Lắng nghe để tìm cơ hội

Nếu ai đó nói “Tôi luôn muốn …” đó là tín hiệu để bạn nói “Nghe có vẻ thú vị! Tôi sẽ làm điều đó cùng bạn nếu bạn muốn.”

Nếu ai đó chia sẻ về sách/nhạc phim yêu thích của họ, đó là dấu hiệu cho bạn để nói “Tôi rất muốn đọc/nghe/xem điều đó. Bạn có thể kể/chia sẻ cho tôi không?”

Hãy hỏi đối phương

Đến thời điểm này, hy vọng rằng họ đã chia sẻ những bí mật sâu kín của họ và đây là lúc bạn có thể thẳng thắn hỏi: “Nói chuyện với bạn rất thú vị. Chúng ta có thể tiếp tục vào một ngày khác không?”

Thực sự mà nói, điều tồi tệ nhất là có thể họ sẽ từ chối bạn, tuy nhiên không ai có thể chết vì sự xấu hổ cả.

Thời sinh viên khi đi tàu về quê hay từ quê lên trường đại học, tôi cũng đã có những cuộc nói chuyện với những người lạ. Và khi có những cơ hội nói chuyện và chia sẻ, bạn sẽ hiếm khi gặp phải tình huống cảm thấy xấu hổ trừ khi bạn làm điều gì quá đáng, và đó cũng không phải là cái chúng ta hướng tới.

Hãy thực hành ngay những điều trên để ghi nhớ và thành thói quen hay phản xạ của bạn. Và đừng sợ thất bại.

Hy vọng với những chia sẻ trên, bạn cũng sẽ thực hiện thành công, tiến từng bước để kết nối với thế giới. Bạn sẽ nhận ra có điều gì đó kỳ diệu rằng thế giới là một nơi thân thiện, bạn có thể rơi vào đó và nó sẽ bắt lấy bạn.

Chúc bạn thành công.

Bài liên quan

Bắt đầu nhập từ khoá bên trên và nhấp enter để tìm kiếm. Nhấn ESC để huỷ.

Trở lên trên